Tại TP HCM, giá hàng hóa bắt đầu rục rịch tăng sau khi xăng dầu điều
chỉnh. Bà Hoa, tiểu thương ở chợ Thành Thái, quận 10 cho biết, phí vận
chuyển từ chợ đầu mối về đến chợ Thành Thái hiện chưa có gì thay đổi.
Tuy nhiên, người đưa hàng đã đề cập đến chuyện tăng phí chở hàng trong
vài ngày tới. Chị Hằng bán thịt ở chợ Thị Nghè cũng cho biết, phía cung
ứng thịt chưa tăng giá nhưng đã đánh tiếng trước là sẽ tính lại giá mới,
do đầu vào tăng.
Theo ông Ngô Văn Hải, Phó giám đốc kinh doanh siêu thị
Citimart, hiện chưa có nhà cung cấp nào gửi thông báo sẽ tăng giá vì lý
do giá xăng dầu. Theo ông, nhà cung cấp muốn áp dụng giá mới phải gửi
thông báo bằng văn bản trước 15 hoặc 20 ngày, thậm chí 30 ngày.
"Có thể vài ngày tới sẽ có nhà cung cấp báo giá mới,
bởi xăng dầu tăng khiến chi phí đầu vào của đơn vị sản xuất đội lên, họ
buộc phải tính vào giá thành sản phẩm. Diễn biến này là điều thường thấy
ở các lần tăng giá nhiên liệu trước đây", ông Hải nói.
Đại diện chợ đầu mối Bình Điền - nơi cung ứng lượng
lớn nông sản, thực phẩm cho các chợ trên địa bàn TP HCM cho hay, khoảng
một tuần nữa, ảnh hưởng của việc tăng giá xăng lên giá hàng hóa, thực
phẩm sẽ thể hiện rõ hơn. Còn hiện tại, giữa người bán và người chuyên
chở chủ yếu vẫn trong quá trình thỏa thuận để đưa ra mức giá hợp lý nhất
cho cả 2 bên.
"Một phần do xăng dầu đột ngột tăng giá, phần khác vì
lượng xe vận chuyển nhiều nên nếu muốn tăng giá, các bên cũng phải cân
nhắc kỹ tăng bao nhiêu, tăng khi nào", ông cho biết.
Tương tự TP HCM, tại Hà Nội, giá thịt, cá, rau xanh sáng ngày 9/3 vẫn giữ ở mức bình thường.
Khảo sát ở chợ Mơ tạm trên phố Kim Ngưu, cho thấy, mỗi cân thịt lợn có
giá từ 110.000 đồng đến 140.000 đồng, tùy loại thịt ba chỉ, mông sấn hay
nạc thăn. Thịt bò có giá 180.000 đồng đến 260.000 đồng mỗi kg, tùy
loại.
Chị Nguyễn Kim Xuân, tiểu thương ở đây cho biết, có
nghe về chuyện xăng tăng giá nhưng chưa thấy chủ buôn áp dụng cước vận
chuyển mới. "Sáng qua, họ có đánh động tuần tới, tiền thịt, tiền chở
hàng sẽ lên, nhưng mức cụ thể bao nhiêu thì chưa nói rõ. Còn hiện giờ,
tôi vẫn bán giá cũ", chị Xuân cho biết.
|
Giá thực phẩm được dự đoán sẽ tăng khoảng 3-7% trong một vài ngày tới. Ảnh: Xuân Ngọc |
Riêng rau củ được chia thành 2 dòng sản phẩm có mức
chênh lệch giá khá lớn. Những mặt hàng đúng vụ rẻ hơn nhiều so với trong
năm. Su hào giá 2.000 đồng một củ, bắp cải 7.000 đồng một cân... Trong
khi đó, rau trái vụ, hình thức xấu, lá vàng nhưng được bán rất đắt,
15.000 đồng mỗi mớ rau muống, 5.000 đồng một mớ mồng tơi, ngót...
Bác Thành, kinh doanh ở chợ Ngã Tư Sở cho hay, ra Tết,
rét đậm nên giá rau đắt, kéo dài từ hơn một tháng nay, khi chưa có
thông tin xăng tăng giá. Nhưng dù vậy, bác vẫn cho rằng, trong một đến 2
hôm nữa, giá chắc chắn sẽ tăng. "Cũng không biết lên nhiều hay ít nhưng
kiểu gì cũng tăng, đợt nào xăng, gas đắt lên mà chẳng vậy", bác nói.
Nguồn tin từ một siêu thị lớn ở Hà Nội cho biết, tính
đến chiều ngày 9/3, chưa có mặt hàng nào được niêm yết lại giá. Hiện,
doanh nghiệp này vẫn còn lượng hàng lớn dự trữ trong kho nên trong một
tuần tới sẽ không có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, bộ phận thu mua của công
ty này đang liên hệ, tập hợp thông tin đề xuất mức giá mới từ các nhà
cung cấp, phân phối.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Vũ Vinh Phú,
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng trong một vài ngày tới, giá
thực phẩm, hàng hóa sẽ tăng. "Nhiên liệu tác động trực tiếp đến chi phí
vận chuyển, sản xuất. Các khoản này đều bị tính vào giá thành. Đó là
chưa kể xăng tăng, nhân công cũng đòi lên lương để trang trải cho cuộc
sống của bản thân và gia đình", ông Phú giải thích.
Ông Phú dự đoán, với việc xăng tăng giá lần này, cước
vận tải sẽ lên khoảng 10%, thực phẩm tăng 3-7%, tùy sản phẩm. Tuy nhiên,
điều này sẽ diễn biến trước hết ở các chợ nhỏ. Sau 10-15 ngày, giá
trong siêu thị mới bắt đầu nhích lên do hiện nay, lượng hàng dự trữ vẫn
còn. Theo ông, điều này sẽ tác động lớn đến sức mua của thị trường vốn
đã ảm đạm.
Theo Vnexpress
|
Dầu Máy Nén Khí CEPSA |